Ngày cập nhật 2024-03-28 14:22:43

Nguy cơ an ninh mạng, hàng trăm doanh nghiệp Việt đã mua phần mềm có bản quyền

Theo Khảo sát Phần mềm Toàn cầu BSA 2018, tỷ lệ sử dụng phần mềm không có giấy phép tại Việt Nam là 74%, trong khi tỷ lệ trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương là 57%.

“Chuyển đổi hay là chết”

Báo cáo tháng 2-2020 của tổ chức Liên minh phần mềm BSA cho kết quả trong 6 tháng qua, hơn 300 tập đoàn tại Việt Nam đã hợp pháp hóa tất cả phần mềm trên hơn 20.000 máy tính (PC). Phần lớn các công ty này có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Số còn lại được ghi nhận tại 12 tỉnh thành khác như: Hà Nội , Đồng Nai , Bình Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Lâm Đồng, An Giang, Quảng Trị, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

BSA khẳng định rằng những kết quả này không những có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng mà còn cả xã hội nói chung. Các phần mềm bất hợp pháp sẽ khiến các doanh nghiệp đối mặt với các lỗ hổng bảo mật. Các ngành ngân hàng, tài chính, công nghệ và thương mại điện tử ở Việt Nam đặc biệt rủi ro do dữ liệu khách hàng cá nhân được lưu trữ trong hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp.

“300 tập đoàn, doanh nghiệp gần đây đã hợp pháp hóa phần mềm của họ thể hiện một hướng đi đúng đắn và nâng cấp an ninh kịp thời. Đây là tin vui với người tiêu dùng Việt Nam, những người hưởng lợi từ việc bảo vệ dữ liệu được cung cấp bởi phần mềm hợp pháp”, ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của BSA cho biết.

Ông Sawney cho biết có những kế hoạch hướng tới việc hợp pháp hóa phần mềm trong từng ngành cụ thể như ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử và các ngành công nghệ cao tại Việt Nam. Đồng thời, các nhóm bảo vệ người tiêu dùng nên lưu ý tới cách các phần mềm bất hợp pháp gây nguy hiểm cho việc bảo vệ thông tin riêng tư người dùng. Trong số những rủi ro liên quan đến phần mềm không có giấy phép, truy cập trái phép bởi các hacker và mất dữ liệu đều trực tiếp tác động tới sự an toàn của người tiêu dùng.

Các chính phủ trên khắp ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng ý rằng mức độ cao của phần mềm bất hợp pháp là mối đe dọa tới an ninh quốc gia, và các tập đoàn cần có trách nhiệm để quản lý phần mềm của họ. Cùng với BSA, các chính phủ đang hợp tác để thực thi luật bản quyền phần mềm. Các CEO không hợp pháp hóa phần mềm tại công ty của họ có thể phải đối mặt với các hình phạt và trách nhiệm pháp lý.

Tiếp tục “sờ gáy” doanh nghiệp vi phạm bản quyền

Mặc dù tình trạng vi phạm bản quyền đã khả quan hơn nhưng vẫn còn “hàng chục ngàn công ty ở Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp và thực tế là có rất ít CEO đứng ra giải quyết vấn đề này, nhìn nhận đó là hành động vô trách nhiệm khi đặt vấn đề bảo mật dữ liệu của công chúng và quốc gia vào nguy cơ bị tấn công. Điều này cần phải dừng lại”, ông Sawney cho biết.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành hàng chục cuộc thanh kiểm tra và phát hiện vi phạm tại các tập đoàn Việt Nam và nước ngoài. Tháng 12-2019, 4 công ty tại Việt Nam đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền lên đến 220.000 USD (hơn 5 tỷ đồng) do sử dụng phần mềm không hợp pháp. Ba trong số bốn tập đoàn, công ty bị thanh tra có vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Cũng theo BSA, tính đến thời điểm này của năm 2019, 50 tập đoàn, công ty tại Việt Nam đã bị thanh tra xử phạt vì sử dụng phần mềm không phép.

10.000 doanh nghiệp có thể bị thanh tra về việc sử dụng bản quyền phần mềm sau khi tổ chức Liên minh phần mềm BSA công bố báo cáo kết quả mờ nhạt của quá trình hợp pháp hóa việc sử dụng phần mềm tại Việt Nam. Theo đó, BSA hiện đang xem xét hồ sơ của 3.500 công ty ở phía Bắc, 1.500 công ty ở khu vực miền Trung và 5.000 công ty ở phía Nam.

Chiến dịch hợp pháp hóa phần mềm của BSA nhằm mục đích cung cấp thông tin và kiến thức tới các CEO về nhiều rủi ro liên quan đến việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp, bao gồm các lỗ hổng bảo mật mạng và thiệt hại tài chính vì vi phạm bản quyền, thuyết phục họ tự giác tuân thủ luật pháp trước khi cần tới các biện pháp can thiệp kiểm tra. BSA cảnh báo CEO của các tập đoàn không tuân thủ rằng các chính phủ ASEAN đang cùng hợp tác để thực thi luật bản quyền phần mềm. Các CEO không hợp pháp hóa phần mềm tại công ty họ có thể phải đối mặt với các hình phạt và vấn đề pháp lý khác.

Tanca