Ngày cập nhật 2024-04-28 06:18:21

Những bí quyết vàng khi thuê mặt bằng kinh doanh quán cafe, nhà hàng

thuê mặt bằng kinh doanh

1. Nắm kỹ thông tin cơ bản về việc thuê mặt bằng

Giá thuê hàng tháng

Đây là khoản phí mà bạn phải đều đặn trả mỗi tháng. Nghe thì dễ hiểu nhưng bạn cần phải kiểm tra kỹ khoản phí này. Bởi bạn có thể rơi vào "cú lừa" của những chủ nhà không đàng hoàng. Khi những chủ nhà này tăng giá so với thỏa thuận bằng miệng, bạn không thể nào phản kháng nếu số tiền thuê hàng tháng này không được ghi trong hợp đồng. Vì thế, các chủ quán cần nêu rõ giá thuê mặt bằng trong hợp đồng và ghi chú rằng khoản phí này đã bao gồm tiền điện, tiền nước chưa. 

Tiền đặt cọc

Thông thường, chủ nhà sẽ yêu cầu bạn đặt cọc từ 3 đến 6 tháng tiền thuê mặt bằng. Cần kiểm tra kỹ thông tin này để chắc chắn bạn sẽ được hoàn lại đủ số tiền cọc ấy sau khi hợp đồng hết hạn hoặc khi chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Diện tích thuê 

Hãy đến tận nơi, đo đạc kỹ diện tích mặt bằng và ghi thông số này vào hợp đồng để chắc chắn rằng diện tích thuê của bạn không bị chủ nhà thu hẹp lại sau vài tháng kinh doanh. Ngoài ra, bạn cũng cần trao đổi với họ về diện tích vỉa hè được phép sử dụng hợp pháp để  biết được mặt bằng đó có phù hợp cho khách đỗ xe hay không.

Thời gian thuê

Đây chính là thời hạn hợp đồng, nó phản ánh thời gian ràng buộc của hai bên với hợp đồng thuê mặt bằng. Nếu một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì sẽ phải trả cho bên còn lại một khoản phí đền bù tuỳ theo thoả thuận của cả hai. Số tiền này cũng cần được liệt kê rõ trong hợp đồng. Thông thường, tiền đền bù của bạn sẽ chính là tiền cọc. 

Tình trạng mặt bằng khi bàn giao

Kiểm tra tình trạng mặt bằng khi bàn giao để có thể tránh được những tranh cãi không cần thiết giữa chủ quán và người cho thuê mặt bằng. 

Chẳng hạn như bạn có thể nói rằng trên sàn nhà có nhiều vết nứt sẵn từ trước khi ký hợp đồng thì chủ nhà không thể bắt bạn đền bù hay chủ nhà cũng có thể khẳng định trên tường lúc bàn giao không có vết nứt mà lúc bạn sử dụng mới phát sinh. Để tránh những tranh cãi không đáng có này, cả hai bên cần ghi rõ vào hợp đồng tình trạng mặt bằng khi bàn giao.

Quy định về việc gia hạn hợp đồng

Thời hạn hợp đồng thường kéo dài từ 1 đến 5 năm. Sau khi hết thời hạn, chủ quán có thể gia hạn nếu như có điều khoản về nó. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang kinh doanh rất thuận lợi, nhưng lại phải đột ngột đổi mặt bằng vì chủ nhà tăng giá lên quá cao sau khi hết hợp đồng. Khi ấy, chắc chắn bạn sẽ mất một lượng lớn khách hàng. Vì thế, hãy cố gắng thỏa thuận điều này với chủ nhà để tránh rơi vào trường hợp đáng tiếc.

Xem thêm: Kinh nghiệm kinh doanh “1 vốn 4 lời” cho các nhà hàng

2. Nghiên cứu vị trí và khu vực cần thuê

Sau khi tìm hiểu các thông tin quan trọng trong việc thuê mặt bằng, giờ đã đến lúc các chủ quán cần nghiên cứu về vị trí và khu vực cần thuê. Có hai điều mà chủ quán cần cân nhắc khi ra quyết định chọn vị trí.

- Thứ nhất, không phải lúc nào khi quán của bạn tọa lạc ở một vị trí đắc địa, ở khu trung tâm hay ở một ngã tư sẽ đảm bảo sự thành công cho quán. Nếu quán của bạn theo phong cách độc lạ, mang một âm hưởng xưa cũ thì có lẽ một vị trí quá náo nhiệt như vậy chưa chắc tốt.   

- Thứ hai, những mặt bằng giá rẻ chưa chắc đã thật sự “rẻ”. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, lựa chọn khôn ngoan nhất đối với những người thuê mặt bằng kinh doanh quán cafe, nhà hàng đó là: “Rẻ chưa đủ - Phải phù hợp”. Chẳng hạn trường hợp một người đi thuê mặt bằng kinh doanh thông minh sẽ sẵn sàng chi ra một số tiền lớn để thuê một mặt bằng nằm ở vị trí có thể đem lại cho họ doanh thu tốt, chứ không ham rẻ mà quyết định thuê một điểm kinh doanh có nguy cơ ế ẩm. 

Vậy quyết định như thế nào là tốt nhất? Hãy tham khảo một số câu hỏi sau hỏi sau đây trước khi quyết định thuê một vị trí nào đó: Khu vực này có khả thi không? Khu vực này có thể tìm thấy nhiều khách hàng tiềm năng không? Mức sống của người dân tại khu vực này là bao nhiêu? Lối sống của dân cư trong khu vực có khớp với ý tưởng kinh doanh của mình không? Chi phí tiền mặt bằng đã tối ưu nhất trong các sự lựa chọn hay chưa?... 

Chốt lại, muốn tìm được các mặt bằng thuê cho phù hợp thì trước tiên hãy tập trung vào những đặc điểm xoay quanh khách hàng và mô hình kinh doanh của bạn, rồi mới quan tâm đến chi phí cần bỏ ra.

Xem thêm: Cập nhật những thủ tục mở quán cafe, nhà hàng

Nghiên cứu vị trí cần thuê

3. Thương lượng với bên cho thuê

Việc thương lượng với bên cho thuê có thể giúp bạn tiết kiệm thêm một ít chi phí nữa nếu thương lượng thành công. Có 2 nguyên tắc trong thương lượng cần nắm:

- Quy tắc thứ nhất: “Hãy dành thời gian đôi co một chút”, đừng vội chấp nhận cái giá mà người cho thuê đề nghị ngay lập tức vì bạn có cơ hội thương lượng với họ để ép giá xuống thêm một ít nữa. Ngoài ra, đôi khi việc đồng ý quá nhanh khiến bên cho thuê có cảm giác không an toàn và họ có thể ngừng giao dịch đột ngột.

- Quy tắc thứ hai: “Thương lượng để đôi bên cùng có lợi”, hãy tạo điều kiện để chủ nhà và chính mình cùng cảm giác hài lòng khi bắt tay ký kết hợp đồng.

Thương lượng với bên cho thuê

4. Đảm bảo hợp đồng cho thuê có tính pháp lý cao

Thậm chí ngay cả khi chủ quán và bên cho thuê ký hợp đồng đã ký trên hợp đồng thì hợp đồng đó vẫn chưa có tính pháp lý vì chưa có bên thứ ba kiểm tra tính hợp pháp của mặt bằng. 

Vì thế, bạn cần đến các cơ quan nhà nước tại địa phương để công chứng hợp đồng. Khi ấy, công chứng viên sẽ giúp bạn xác nhận xem bên cho thuê có phải là chủ thật sự của mặt bằng hay không, vỉa hè nơi ấy có được phép sử dụng không. 

Nếu bạn không am hiểu về pháp lý, hãy nhờ luật sư hoặc những người có kinh nghiệm soạn thảo và xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký.

Đảm bảo hợp đồng cho thuê

>>> Xem thêm:

Thành công của The Coffee House và bài học về kinh doanh trong quản lý quán cafe

Từ câu chuyện của KFC đến 3 bài học trong kinh doanh chuỗi nhà hàng

Trần Viết Quân